Brandtalk » Các nhà mạng sẵn sàng chia 90% doanh thu nếu CP sản xuất được những nội dung mà nhà mạng không thể làm được. Tuy nhiên, đó là một điều “đánh đố” khi tình trạng sao chép ý tưởng nhan nhản như hiện nay.
Sẵn sàng chia 90% doanh thu cho DN nội dung
Thời gian qua, mối quan hệ giữa CP (Content provider – nhà cung cấp nội dung) với các nhà mạng còn trục trặc khi phía CP than rằng nhà mạng “ăn chia” không hợp lý (thu tới 60 – 70% doanh thu, chừa lại cho CP 30 – 40%).
Tại buổi tọa đàm “Triển vọng viễn thông Việt Nam 2012” do CLB Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức cuối năm 2011, lý giải về tỷ lệ ăn chia trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng, một trong những lý do khiến nhà mạng vẫn áp đặt mức ăn chia đó cũng bởi các nhà cung cấp nội dung chưa đưa ra được những sản phẩm đủ sức “níu áo” người dùng. Doanh thu về nội dung của các nhà mạng những năm qua chủ yếu dựa vào dịch vụ tin nhắn SMS, mà dịch vụ này thì các nhà mạng thừa sức làm được. Bởi vậy, các công ty nội dung phải làm được những cái mà nhà mạng không thể làm.
Theo ông Hùng, không thể cấm nhà mạng làm nội dung, cấm công ty mẹ, họ có thể “đẻ” ra các công ty con. Nhưng nếu DN nội dung tập trung sáng tạo chuyên nghiệp và làm ra những sản phẩm mà nhà mạng gần như “bó tay” hoặc phải đầu tư lớn mới làm được như dữ liệu di động thì thị trường đó hoàn toàn thuộc về nhà cung cấp nội dung. “Khi đó, kể cả CP đề xuất thu 90% doanh thu nhà mạng cũng chấp nhận”, ông Hùng nhấn mạnh.

Chưa tìm ra mô hình kinh doanh dịch vụ nội dung thích hợp giữa nhà mạng và CP là một nguyên nhân khiến thị trường ứng dụng cho di động chưa thể "cất cánh".
Nhà mạng nên dẫn dắt thị trường ứng dụng
Thế nhưng, từ góc độ của CP, ông Nguyễn Mạnh Hà, TGĐ Công ty VMG cho rằng, một ứng dụng hay hoặc dở nên để xã hội cũng như người sử dụng đánh giá, vì có thể người này thích nhưng chưa chắc người kia đã thích và phải sau một thời gian ra thị trường mới xác định được.
Sản phẩm này hay hơn một sản phẩm kia thể hiện chủ yếu về mặt ý tưởng và cách thực hiện. Chính vì thế, khi nhà mạng cho rằng họ có thể tự sản xuất được ứng dụng và không cần phải hợp tác với CP là nhìn trên phương diện thuần túy về yếu tố kỹ thuật. Tuy nhiên, ở Việt Nam tình trạng sao chép khá phổ biến nên không ai có thể làm được một sản phẩm mà người khác không thể sao chép được. “Một ý tưởng về nội dung, kịch bản ứng dụng… khi đã trình bày xong thì ai cũng có thể sao chép được”, ông Hà cho biết thêm.
Cùng quan điểm với ông Hà, ông Đỗ Tuấn Anh, GĐ AppStoreVN cho rằng: “Yêu cầu CP làm ra những sản phẩm mà các nhà mạng không thể làm được chả khác gì đánh đố. Việc này không thể thực hiện được do mọi sản phẩm đều có thể sao chép dễ dàng”.
Ngoài ra, cho dù những nội dung mà nhà mạng không có người để thực hiện thì việc thu phí vẫn dựa trên các thuê bao của họ. Khi đã dựa vào khách hàng của mình thì muốn chia bao nhiêu doanh thu là quyền của nhà mạng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng trên di động, nhà mạng hoàn toàn có thể chia 90% doanh thu hay thậm chí 100% cho CP nhưng việc này rất khó thực hiện trừ khi có được những ứng dụng mà nhà mạng không bao giờ làm được (mà điều này gần như là không thể). Bởi vì, nhà mạng nào cũng có trung tâm giá trị gia tăng, mà xét về mặt công nghệ cũng như quan hệ với các đối tác nước ngoài có nội dung tốt thì nhà mạng hơn hẳn CP.
Như vậy, quan điểm về hợp tác phát triển, kinh doanh nội dung giữa nhà mạng và CP còn khoảng cách xa. Cả hai đang đứng dưới góc độ khác nhau để nhìn về việc hợp tác phát triển và kinh doanh dịch vụ nội dung. Vì vậy, việc tìm ra mô hình kinh doanh dịch vụ nội dung giữa nhà mạng và CP vẫn là bài toán của thời tương lai.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, TGĐ Công ty VMG, thay vì đợi các CP có những ứng dụng hay mà mình không làm được, các nhà mạng nên có một chính sách rõ ràng, một sân chơi đủ mở để khuyến khích mọi người tham gia phát triển ứng dụng, tạo ra sức sáng tạo lớn. Nhà mạng nên khuyến khích các CP phát triển nhiều ứng dụng lên kho tải của mình và để cho người dùng đánh giá, nhận xét thông qua các lượt tải thay vì đánh giá những ứng dụng đó nhà mạng có làm được hay không. Khi đó thị trường nội dung số mới bùng nổ và có nhiều ứng dụng phong phú. “Apple Store hay Android Market thành công vì họ dựa trên nguyên tắc: Tất cả các nhà phát triển ứng dụng di động khi đạt được tiêu chuẩn do Apple hay Google đưa ra thì có thể đưa ứng dụng lên kho và phân chia tỷ lệ 50-50. Đó là lý do mọi người đổ đi mua điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và iOs vì nhờ nó mà người dùng có thể tải rất nhiều game, ứng dụng”, ông Hà dẫn chứng.
Bưu Điện Việt Nam